'Ngoại giao tang lễ' trong quan hệ liên Triều


KTĐT - Đã có những dấu hiệu thay đổi lớn trong quan hệ giữa hai miền Nam-Bắc Triều Tiên. Đoàn đại biểu CHDCND Triều Tiên đã gặp Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung-bak trong thời gian ở để dự lễ tang cố Tổng thống Kim Dae-jung.

Cuộc gặp này dường như đã giúp cải thiện hơn nữa quan hệ liên Triều, vốn đã tan băng sau khi đại diện Tập đoàn Hyundai, bà Hyun Jeong-eun đã thành công đạt được thỏa thuận với CHDCND Triều Tiên. Động thái hữu hảo mới nhất của CHDCND Triều Tiên có thể dẫn đến đối thoại giữa hai miền.

Đoàn đại biểu CHDCND Triều Tiên được cho biết là đã chuyển thông điệp miệng của Chủ tịch Kim Jong-il tới Tổng thống Lee Myung-bak. Đoàn cũng được thông báo về thay đổi cách nhìn nhận của miền Nam đối với chính sách của miền Bắc. Cuộc gặp được coi là sẽ mở ra một kênh mới về hiểu biết lẫn nhau giữa hai bên. Do đó, tương lai của quan hệ liên Triều phụ thuộc vào việc Bình Nhưỡng chân thành đến đâu trong việc bình thường hóa và phát triển quan hệ liên Triều dựa trên phi hạt nhân hóa của nước này.

Với việc cử đoàn đại biểu đến dự lễ tang cố tổng thống Kim Dae- Jung, Bình Nhưỡng đã cho thấy một động thái thân thiện trong bối cảnh vụ thử hạt nhân và phóng tên lửa của nước này đã buộc cộng đồng quốc tế phải áp đặt cấm vận và đẩy quan hệ liên Triều đến bên bờ vực tan rã. Đoàn đại biểu Bắc Triều bao gồm các chuyên gia về Hàn Quốc, trong đó có Kim Ki-nam, Bí thư Đảng Lao động Triều Tiên và Kim Yang-gun, Bộ trưởng Mặt trận thống nhất. Hai ông là những quan chức cấp cao nhất trong đoàn và được hoàn toàn ủy quyền để bàn thảo về chi tiết quan hệ liên Triều. Bí thư Kim là trợ lý thân cận của Chủ tịch Kim Jong-il. Ông này nói trong chuyến thăm Seoul rằng, mục đích của chuyến thăm là để thăm dò khả năng hội đàm liên Triều, ngoài việc đến viếng cố Tổng thống Kim Dae-jung.

Những diễn biến này cho thấy cử chỉ hữu hảo vừa qua của CHDCND Triều Tiên đối với Mỹ và Hàn Quốc có vẻ rất tích cực, nhiệt tình và chân thành. Bất chấp ý đồ và dụng ý gì đằng sau đó, sự thay đổi của Bình Nhưỡng cũng được Seoul hoan nghênh. Hàn Quốc và Mỹ đã có lập trường rõ ràng: sẽ không ngồi xuống đàm phán hoặc cung cấp viện trợ nếu miền Bắc không có những biện pháp cụ thể và thực chất để từ bỏ chương trình hạt nhân của mình. Thông điệp này đã được nói rõ trong cuộc gặp giữa Tổng thống Lee và các đại biểu miền Bắc. Tại cuộc gặp, Tổng thống cho biết là đã giải thích về cách thay đổi nhìn nhận của miền Nam đối với miền Bắc và các quan chức CHDCND Triều Tiên nhấn mạnh đến việc thực hiện các thỏa thuận liên Triều được công bố vào ngày 15/6/2000 và ngày 4/10/2007.

Quan hệ hai miền Nam-Bắc có vẻ như diễn biến theo hai hướng. Thứ nhất, nếu miền Bắc chấp nhận thay đổi, hai miền có thể bình thường hóa quan hệ như hai nước có chủ quyền. Trong trường hợp này, đối thoại liên Triều có thể sẽ diễn ra, tiếp theo là phi hạt nhân hóa toàn bán đảo Triều Tiên. Đây có thể là kịch bản được ưa chuộng hơn. Nhưng nếu miền Bắc tiếp tục đòi thực hiện thỏa thuận liên Triều mà không thừa nhận thay đổi quan điểm giữa hai miền, thì đối thoại giữa hai bên chỉ là những từ ngữ trống rỗng và chẳng đi đến kết quả nào.

Những biến chuyển vừa qua đem lại hy vọng về mối quan hệ tốt đẹp hơn giữa hai miền Triều Tiên – lò lửa một thời của thế giới.

Phú Đức