Lễ tang Bác Hồ trong ký ức của một Đại tá công an


Đường phố Hà Nội người từ khắp nơi kéo về. Rất nhiều các cụ già, em bé cơm đùm cơm nắm gói trong mo cau, tàu chuối, hỏi ra mới biết ở làng quê đi bộ đến viếng Bác. Những tuyến đường Hoàng Diệu, Phan Đình Phùng, Trần Phú, Nguyễn Thái Học, Điện Biên Phủ… dòng người như kéo dài vô tận. Tất thảy chờ xếp hàng vào viếng Bác.

Chạnh nhớ những ngày này 40 năm về trước - ngày Bác Hồ mất. Ông là Phó trưởng Công an Khu Ba Đình, Hà Nội. Còn tôi, mới là cậu bé học lớp 4 ở nơi làng quê heo hút.

Lại nhớ, những năm ông còn công tác ở Công an tỉnh Khánh Hòa, tôi là lính của ông vẫn thấy ông đi chiếc xe Môbilét cũ kỹ từ nhà đến cơ quan, hoặc đây đó trên các ngả đường Nha Trang. Dáng ông cao, một chân bị thương. Chiếc xe máy nhỏ, thấp như con cào cào già nổ bình bịch, chạy chậm, lặng lẽ. Bình thường ông ít nói. Khi nói lại chậm rãi như cân nhắc từng lời một.

Ông là Đại tá Nguyễn Khắc Linh

Ông bảo, quê ở Nha Trang, nhưng sinh ra ở vùng bán đảo Cam Ranh (quê ngoại). Khởi nghĩa 19/8/1945, mới 16 tuổi, nghe lời kêu gọi của Việt Minh, ông đi theo Cách mạng - trong đội tự vệ tham gia cướp chính quyền ở Nha Trang, rồi Cam Ranh. Hoạt động du kích vùng bán đảo Cam Ranh một thời gian, trong một chuyến về làng vũ trang tuyên truyền, ông bị địch bắt.

Phòng giam ông có bốn người, cơ sở phản bội chỉ điểm, ba người bị thủ tiêu. Địch bắt ông đi "máy bay" (cột hai cổ chân, hai cổ tay treo ngược xà nhà) 7 tiếng đồng hồ, dùi cui, roi điện đánh, gí vào hai mu bàn chân, các ngón chân, ngón tay. Ông ngất đi tỉnh lại.

Suốt 6 tháng ròng rã, có lúc cùng cực nghĩ, thà chúng buộc mình vào hòn đá to ném xuống biển như một số đồng chí, hoặc đem đi tử hình để trước đồng bào mình tố cáo chúng còn hơn là bị tra tấn. Lại nghĩ, không được, đây mới là thử thách bước đầu, cuộc chiến đấu sẽ còn lâu dài (sau này giám định, ông là thương binh hạng 4/4 vĩnh viễn loại A, tỉ lệ thương tật 34%).

Nhờ bạn tù hỗ trợ, ông trốn được. Những năm 1951-1959, ông trụ bám ở vùng rừng núi Khánh Sơn - Khánh Hòa, phụ trách công an xã, công an vùng, gắn bó với bà con dân tộc Raglai. Ông được bà con quý mến đặt cho cái tên La Phén (tên dân tộc).

Cuối năm 1959, ông được tổ chức điều ra miền Bắc đào tạo nghiệp vụ an ninh, gồm số cán bộ cốt cán các tỉnh miền Nam. Cuối năm 1961, do vết thương chưa lành, bị liệt các ngón chân phải, di chứng yếu hai bàn tay, phản xạ giảm, ông được Bộ điều về công tác ở Công an khu Ba Đình - Hà Nội, làm Đội phó Cảnh sát trật tự, Đội phó rồi Đội trưởng Cảnh sát khu vực, Phó rồi Trưởng đồn Công an Quán Thánh. Tháng 3/1969, ông được bổ nhiệm Phó Công an Khu.

Bấy giờ, Hà Nội có 4 khu nội thành: Ba Đình, Hai Bà Trưng, Hoàn Kiếm, Đống Đa. Công an Khu Ba Đình đóng trụ sở tại 37 Cột Cờ. Khu tập trung các cơ quan đầu não của Đảng, Nhà nước, nơi có Bác Hồ sống và làm việc, có nhiều Đại sứ quán. Ông nói: "Mình làm công tác bảo vệ, được nhìn thấy Bác nhiều lần. Cảm giác thật hạnh phúc. Lần nào cũng hồi hộp. Hầu hết anh em Công an Khu Ba Đình ai cũng ít nhất một vài lần được làm nhiệm vụ bảo vệ Bác Hồ: Những dịp Bác đón khách nước ngoài, nhất là các nguyên thủ quốc gia, các cuộc mít tinh lớn kỷ niệm ngày Quốc khánh 2/9…".

Bác Hồ ốm đã nhiều ngày, ông biết, cứ nghĩ rồi Bác sẽ khỏi... Nào ngờ, sáng 3/9, đồng chí Cáp Xuân Diệm, Phó giám đốc Sở Công an Hà Nội đã đến trụ sở Công an Khu Ba Đình gặp Ban lãnh đạo. Đồng chí Cáp Xuân Diệm nghẹn ngào: Bộ Chính trị cho biết, Bác của chúng ta đã từ trần! Giọng đồng chí Cáp Xuân Diệm nghẹn lại. Tất cả sửng sốt. Bàng hoàng. Ai cũng rơi nước mắt. Đồng chí còn nói thêm về ngày giờ Bác mất, địa điểm quàn thi hài Bác, truyền đạt kế hoạch, tinh thần là: Chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ với miền Bắc đang ở "tầm cao". Công an Hà Nội phải nén đau thương tập trung cao độ phục vụ lễ tang Bác, phải đảm bảo an ninh trật tự một cách an toàn tuyệt đối, không để xảy ra một sơ suất dù nhỏ nhất. Đây vừa là trách nhiệm, cũng là thể hiện lòng thương tiếc, kính yêu đối với Bác Hồ, để phục vụ nhân dân và bạn bè quốc tế thăm viếng Bác.

Đồng chí Lê Duẩn - Bí thư thứ nhất BCH Trung ương Đảng đọc điếu văn trong lễ tang Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Sáng mùng 4/9/1969, Đài Phát thanh Tiếng nói Việt Nam phát đi thông báo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng: Bác Hồ đã từ trần.

Hà Nội đổ mưa. Cả miền Bắc trời đổ mưa.

Đồng chí Cáp Xuân Diệm thường trực tại Khu Công an Ba Đình trực tiếp chỉ đạo Lực lượng Công an Hà Nội triển khai kế hoạch bảo vệ lễ tang. Cả một núi công việc.

Ban chỉ huy Công an Khu Ba Đình mỗi người một nhiệm vụ. Ông Nguyễn Khắc Linh được phân công phụ trách công tác hậu cần cho Lực lượng Công an tham gia bảo vệ lễ tang. Tiếp nhận, phân phối các phương tiện ôtô, môtô, xe máy, loa pin, máy ảnh phục vụ công tác tuần tra kiểm soát quanh khu vực Ba Đình, trên các tuyến đường; cấp phát trang thiết bị, vật dụng phù hiệu, băng đỏ, băng tang, còi… cho cán bộ chiến sĩ. Bố trí, sắp xếp nơi ăn uống nghỉ ngơi cho anh em công an ở các tỉnh về làm nhiệm vụ bảo vệ.

Đường phố Hà Nội người từ khắp nơi kéo về. Rất nhiều các cụ già, em bé cơm đùm cơm nắm gói trong mo cau, tàu chuối, hỏi ra mới biết ở làng quê đi bộ đến viếng Bác. Những tuyến đường Hoàng Diệu, Phan Đình Phùng, Trần Phú, Nguyễn Thái Học, Điện Biên Phủ… dòng người như kéo dài vô tận. Tất thảy chờ xếp hàng vào viếng Bác. Dưới các loa phóng thanh công cộng, đông đảo nhân dân dừng lại lắng nghe đài đưa tin về lễ tang. Trên hè phố, dưới những gốc cây, xe đạp xếp vội ngổn ngang, lăn lóc không ai trông giữ. Đồng bào từ nơi xa đến, họ vội vã bỏ lại xe cộ ở đâu đó, miễn sao để nhanh chóng được vào viếng Bác.

Theo quy định, ngoài những xe của Ban Tổ chức lễ tang đi làm nhiệm vụ, một số xe đặc biệt được phép lưu hành, còn lại tất cả các đoạn đường vào Khu Ba Đình đều dành cho người đi bộ.

Lực lượng Công an đã phân công nhau phụ trách từng tuyến đường đổ về Ba Đình. Các Đồn Công an Quán Thánh, Điện Biên Phủ, Yên Phụ, Kim Mã, Thụy Khuê, Hàng Than; các lực lượng cảnh sát giao thông, cảnh sát trị an, hình sự của Công an Khu bám sát địa bàn, các ngã ba, ngã tư, các chốt quan trọng làm nhiệm vụ. Lại phải tính đến phương án nếu đế quốc Mỹ ném bom, đánh phá Hà Nội thì hướng dẫn bà con sơ tán, tránh bớt thiệt hại.

Hầu như Lực lượng Công an làm nhiệm vụ bảo vệ lễ tang Bác không có phút nào nghỉ ngơi. Ăn uống cũng phải khẩn trương, họ thay nhau làm nhiệm vụ suốt ngày đêm. Số đồng chí có gia đình tại Hà Nội đều bám sát vị trí được phân công hoặc ứng trực ở đơn vị không về nhà. Khi ấy, vợ chồng ông Linh chưa được cấp nhà, nhờ tổ dân phố giới thiệu mà thuê được một căn hộ ở 24 Cửa Bắc. Bà Huy - vợ ông là công nhân Nhà máy Thiết bị bưu điện Hà Nội cũng thường trực tại cơ quan. Ông bà mới có một con nhỏ 5 tuổi. Suốt thời gian bảo vệ lễ tang Bác Hồ, ông không về nhà. Cậu con trai gửi nhờ mấy bà hàng xóm trông nom.

Sáng 9/9/1969, lễ truy điệu Bác Hồ được cử hành trọng thể.

Công an Khu Ba Đình phân công nhau đi xen kẽ với khối quần chúng vào viếng Bác. Ông Linh là một trong những người vào viếng Bác cuối cùng.

Tôi hỏi, trong đợt phục vụ bảo vệ lễ tang Bác Hồ, có xảy ra điều gì đáng tiếc không? Ông nói, kế hoạch bảo vệ lễ tang Bác được chuẩn bị rất kỹ. Trong tuần lễ tang, mặc dù đồng bào viếng Bác rất đông, có đến hàng chục vạn người, hơn 40 đoàn quốc tế, hành lý, xe cộ, giày dép, đến cả đôi guốc của bà con từ các tỉnh về phải để lại đâu đó để được vào viếng Bác, khi trở ra vẫn không suy xuyển.

Ngày 2/9/1973, ông Nguyễn Khắc Linh được chỉ định vào Ban Bảo vệ Công trình xây dựng Lăng Bác Hồ (đơn vị CQ 195), với nhiệm vụ đảm bảo an ninh trật tự, an toàn tuyệt đối trong quá trình xây dựng Lăng Bác.

Tháng 3/1975, ông lên đường trở về tiếp quản Nha Trang, Khánh Hòa, là trưởng Công an thành phố, rồi Phó giám đốc Công an tỉnh. Thời gian công tác, ông đã sát cánh cùng đồng đội phát hiện, đấu tranh với hàng chục vụ án phản cách mạng, hàng trăm vụ án hình sự, giữ bình yên cho quê hương. Năm 1994, ông nghỉ hưu, trở thành Chủ nhiệm Câu lạc bộ hưu trí sĩ quan công an tỉnh. Ông bà có hai người con trai đều đã trưởng thành. Con trai đầu, Thượng tá Nguyễn Khắc Cường, theo nghiệp cha, nay là Trưởng Công an thành phố Nha Trang.

Tôi hỏi: "Hơn 40 năm công tác trong Lực lượng Công an, hơn 60 năm tuổi Đảng, thủ trưởng có điều gì tâm sự?". Ông gật đầu: "Tôi cảm thấy không uổng phí!”. "Còn kỷ niệm sâu sắc nhất?". "Đấy là những ngày được làm nhiệm vụ bảo vệ lễ tang Bác Hồ"