Sùng A Di và tiếng khèn Mông


ND- Trong kho tàng văn hóa dân gian của người Mông vẫn lưu truyền một truyền thuyết rất hay và có ý nghĩa nhân văn sâu sắc kể về sự ra đời của cây khèn.

Chuyện rằng: Xưa, đã lâu lắm rồi, có một gia đình nọ sinh hạ được sáu người con trai, cả sáu anh em đều có tài thổi khèn rất hay. Lúc đầu mỗi người có riêng một ống của mình, khi vui buồn họ đều mang ra thổi. Một ngày nọ người em út nghĩ rằng nếu muốn thổi thành bè thì cả sáu anh em phải cùng thổi mới được, nếu một trong sáu người bận việc đi vắng hay mất đi rồi muốn thổi bè thì làm sao có được bài khèn hay, nên anh ta đã nghĩ ra lấy ống bầu lớn để gắn cả sáu ống làm thành cây khèn. Trong đó ống dài nhất tượng trưng cho người anh cả, ống ngắn nhì tượng trưng cho người anh hai,... cứ lần lượt như thế và ống ngắn nhất tượng trưng cho cậu em út. Khi gắn lại với nhau một người cũng có thể thổi được và âm thanh của cả sáu ống đều vang lên rất hay. Từ đó cây khèn của người Mông ra đời.

Trong chuyến công tác nhằm sưu tầm và bảo tồn, phát huy những di sản văn hóa cộng đồng các dân tộc Việt Nam tại Tủa Chùa, tỉnh Điện Biên hồi tháng 7 năm 2009 vừa qua chúng tôi được trò chuyện với nghệ nhân Sùng A Di, người được gia chủ mời đến thực hiện nhiệm vụ của thầy khèn trưởng trong lễ tang người thân mình. Vui vẻ, dễ gần và nói tiếng phổ thông rất tốt... đó là ấn tượng khá đậm nét trong lần đầu tiên chúng tôi được gặp nghệ nhân 47 tuổi này.

Sinh trưởng trong một gia đình có nghề thổi khèn gia truyền, ngay từ thưở bé, Sùng A Di đã được người bố truyền dạy cho cách chế tác và thổi cây khèn sáu lỗ truyền thống của người Mông. Với đức tính ham học hỏi, chịu khó mày mò, chẳng bao lâu cái tên Sùng A Di được bà con trong vùng biết tới như một thầy khèn giỏi nhất vùng. Với người Mông, tiếng khèn có vai trò vô cùng quan trọng. Mỗi bài khèn có những ý nghĩa riêng. Trong đám tang, tiếng khèn như người dẫn đường đưa hồn về với thế giới mường ma. Ông Sùng A Di cho biết, hệ thống bài khèn trong đám tang được quy định rất rõ ràng cả về số lượng bài, lần thổi cũng như cung bậc giai điệu của từng bài, từng giai đoạn. Nếu tính lần thổi cố định trong một lễ tang kéo dài từ ba đến năm ngày có tới 150 lần, gồm bảy bài chính (mỗi bài chính có ba bài nhỏ) mỗi bài thổi ba lần lặp đi lặp lại thành chín bài một lần, riêng bài Khúa kzê tức bài dẫn đường thì thổi năm lần.

Bên cạnh đó tiếng khèn được coi là hay còn phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố. Điều quan trọng nhất là hơi của người thổi (thầy khèn), hơi phải khỏe, dài, ra vào đều, lên xuống đúng nốt... Bởi cây khèn có sáu lỗ trong khi bàn tay chỉ có năm ngón nên việc bấm nốt, bịt hay nhả lỗ là việc đòi hỏi rất nhanh nhạy thuần thục, phụ thuộc vào sự điêu luyện của mỗi thầy khèn. Hơn nữa có cả tiêu chí do người chế tác ra cây khèn đó nữa. Ngoài ra việc lựa chọn người đủ tiêu chuẩn để được làm thầy khèn cũng không dễ dàng. Sùng A Di tâm sự: "Người Mông cẩn thận lắm, mỗi dòng họ có những kiêng kỵ riêng nữa nên người thầy khèn không chỉ thổi khèn giỏi mà còn phải hiểu biết, thông thạo văn hóa, tập tục của dân tộc mình, lại còn phải có đạo đức tốt, không được say rượu trong khi làm lễ". Được biết trong vùng hiện nay có nhiều thầy khèn nhưng các gia đình có việc phần lớn là họ đến mời Sùng A Di tới thổi khèn lễ.

Hai vợ chồng nghệ nhân.

Chúng tôi theo Sùng A Di về nhà riêng ở bản bên. Trở về nhà, ông mang theo ba xiên thịt lợn và một chai rượu, là phần quà lễ cho thầy trưởng khèn từ gia chủ. Vào nhà ông, khách thật sự ngỡ ngàng thú vị khi được ngắm rất nhiều loại khèn. Ông vui vẻ kể về những cây khèn: cây này ống lớn nhất có tiếng vang xa nhưng ống hai, ống ba lại bé lắm, cây này có cái ống bầu non nên nó bị ngót, các lỗ không khít nhau, không lấy được hơi khi thổi... Theo ông, khèn thì ông thầy nào cũng có nhiều bởi trong vùng vẫn có những người không thổi được khèn nhưng vẫn biết chế tác ra cây khèn Mông, nhưng để có được một cây khèn có tiếng hay thì thật khó, hiện ông đang có nhiều khèn nhưng chỉ một cây là khèn quý thôi.

Câu chuyện giữa chúng tôi và nghệ nhân Sùng A Di đang hồi sôi nổi bỗng thấy bóng một người thanh niên tay xách con gà trống thiến và chai rượu đứng ở cửa xin phép gặp ông Di. Ngày mai bản bên lại nhà làm lễ ma khô cho mẹ. Không nề hà, ông vui vẻ nhận lời. Chúng tôi hỏi ông: Lớp thanh niên trẻ bây giờ nó có thích học thổi khèn không? Ông nói: Có đấy, tôi đã từng dạy bảo nhiều cháu rồi, nhưng có đứa theo được, có đứa không bởi một phần cũng có cả năng khiếu nữa, hơn nữa giờ chúng nó cũng thích nghe băng đĩa nhiều hơn là tự thổi. Một chút buồn trong ánh mắt ông.

Chia tay nghệ nhân Sùng A Di trong buổi chiều tà miền sơn cước, chúng tôi như còn nghe u u tiếng gió, rào rào tiếng mưa, trầm hùng tiếng thác đổ... Lời của khèn ngân rung cõi lòng, dẫn dắt người nghe ngược thời gian về với thuở hồng hoang, kỳ vĩ. Dòng chảy văn hóa của người Mông vẫn ngàn năm mãnh liệt, dù được cất lên lãng đãng trôi trong bình minh sớm, hay thảnh thơi phiêu du dưới ánh chiều tà, đều làm cho người nghe rung cảm, phút chốc muốn thành thi sĩ. Là người hiểu biết về phong tục tập quán tôn giáo tín ngưỡng của dân tộc mình, bằng cả sự đam mê lòng nhiệt huyết yêu cây khèn điệu múa truyền thống, hằng ngày ông Sùng A Di vẫn đi làm phúc cho đời. Duy chỉ một điều ông luôn trăn trở đó là sợ con cháu mình mai sau nó không còn được nghe, được biết và hiểu được điệu khèn đá. Và dường như, cũng vì thế mà tiếng khèn như càng ngấm sâu vào máu thịt ông, luôn dạt dào sức sống.