Coi chừng trụ đèn chiếu sáng!


TT - Sau vụ rò điện làm em Cồ Quốc Duy (trú tại P.5, Q.5) chết hôm 31-8, đến nay Công ty Chiếu sáng công cộng TP.HCM vẫn khẳng định các mối nối bên trong trụ đèn chiếu sáng CSU1 86 góc Trần Hưng Đạo - Nguyễn Biểu (P.2, Q.5) được đấu nối đúng kỹ thuật. Tuy nhiên thực tế cho thấy các đèn chiếu sáng lại không an toàn.

Trong khi chờ đợi các cơ quan chức năng tìm giải pháp, nhiều trụ điện tại TP.HCM bị mất nắp đậy lòi dây điện ra như thế này (ảnh chụp tại bến Bạch Đằng, Q.1 ngày 3-9) - Ảnh: Q.khải

>> Sau vụ rò điện làm một HS thiệt mạng: Tai nạn vẫn còn có thể xảy ra

>> Trụ đèn rò rỉ điện, một học sinh thiệt mạng

>> Ông trời luôn có lỗi???

Ngày 3-9, Xí nghiệp chiếu sáng 1 thuộc Công ty Chiếu sáng công cộng TP đã cho lắp nắp đậy các trụ đèn chiếu sáng bị mất cắp trên tuyến đường Trần Hưng Đạo. Bao nhiêu đó vẫn chưa đủ làm cho người dân có cảm giác an toàn hơn khi xung quanh các trụ đèn chiếu sáng này còn quá nhiều lỗ hổng về mặt kỹ thuật.

Vụ rò điện từ trụ đèn chiếu sáng CSU1 86 làm em Cồ Quốc Duy chết tại góc đường Trần Hưng Đạo - Nguyễn Biểu làm nhiều người lo ngại về thiết bị an toàn gắn trên hệ thống dây điện, đèn chiếu sáng. Trao đổi về vấn đề này, ông Trần Trọng Huệ - giám đốc Công ty Chiếu sáng công cộng TP - cho biết trên mỗi cụm đèn chiếu sáng đều có gắn các thiết bị bảo vệ (CB). Tuy nhiên, do không có kinh phí nên hiện hệ thống đèn chiếu sáng chỉ trang bị được các CB bảo vệ khi có hiện tượng chạm chập, quá tải, cháy nổ (CB sẽ tự bật xuống), chưa trang bị được CB ngắt điện khi có rò điện.

Ông Huệ thừa nhận: “Việc rò điện từ trụ điện gây ra cái chết cho em Duy là quá rõ. Nhưng có nhiều yếu tố dẫn đến việc rò điện mà nguyên nhân chính yếu nhất là do nước ngập. Cho dù đấu nối đúng kỹ thuật thì kỹ thuật này cũng không tính đến phương án ngâm trong nước”. Theo ông Huệ, tại TP hiện có gần 30.000 trụ đèn chiếu sáng, trong đó khoảng 15.000 trụ điện bằng thép tráng kẽm, số còn lại là trụ bêtông. Đa số trụ đèn bằng bêtông thì được cung cấp điện bởi một hệ thống đường dây đi nổi phía trên nên không lo vấn đề nước ngập. Trong khi đó, đường dây cung cấp điện cho trụ đèn thép tráng kẽm được đi ngầm, rồi trổ lên mặt đất và đi bên trong thân trụ. Cách đáy trụ tráng kẽm khoảng 20-50cm thường có các nắp đậy để tiến hành đấu nối đường dây điện cung cấp điện cho bóng đèn phía trên.

Theo quan sát từ các trụ điện tráng kẽm bị mất nắp, tại các mối nối thường được quấn băng keo màu đen hoặc lồng các ống cao su khá đơn giản. Với cách đấu nối như thế này rõ ràng sẽ không an toàn trong môi trường ngập nước. Chính ông Huệ cũng cho rằng các mối nối bên trong trụ đèn tráng kẽm trên đường Trần Hưng Đạo chỉ cách đáy trụ 20cm nhưng nước ngập sâu hơn 50cm. Nước xâm nhập vào các mối nối này và gây rò điện. Ông Huệ cho biết hiện nay việc mất cắp các nắp đậy trụ đèn chiếu sáng đang trở thành vấn nạn, có tới 1.450 trụ đèn chiếu sáng bị mất nắp đậy. Thực trạng này càng làm tình trạng rò điện xảy ra dễ hơn, nhất là môi trường mùa mưa thường có nước ngập.

Về giải pháp khắc phục rò điện ở các trụ đèn tráng kẽm, ông Trần Trọng Huệ cho rằng phải chờ sự cho phép của đơn vị chủ quản hệ thống đèn chiếu sáng là các khu quản lý giao thông đô thị, Công ty Chiếu sáng công cộng chỉ là đơn vị làm thuê. Ông Huệ nói sau tai nạn xảy ra đã báo cáo vụ việc cho Khu Quản lý giao thông đô thị số 1, đồng thời ban kỹ thuật công ty cũng họp đề xuất những giải pháp cụ thể. Theo đó, sẽ đặt hàng những trụ đèn chiếu sáng có nắp đậy cao để đưa những điểm đấu nối khỏi tình trạng ngập nước ở những công trình mới. Đối với những trụ đèn hiện hữu có các điểm đấu nối thấp thì bơm một loại keo đặc biệt vào các mối nối nhằm chống rò điện trong môi trường nước ngập. Riêng về hệ thống CB bảo vệ an toàn khi có hiện tượng rò điện, ông Huệ cho biết sẽ đề xuất lắp đặt tại những tuyến đường hay bị ngập nước. “Đây chỉ là đề xuất, việc thực hiện ra sao, khi nào còn phụ thuộc vào các khu quản lý giao thông đô thị duyệt” - ông Huệ nói.

Ông Nguyễn Vĩnh Ninh - phó giám đốc Khu Quản lý giao thông đô thị số 1 - cho biết đến chiều 3-9 chưa nhận được phương án về các giải pháp bảo đảm an toàn điện cho trụ đèn chiếu sáng từ Công ty Chiếu sáng công cộng. Sau khi nhận được phương án, nếu nguồn kinh phí dưới 100 triệu đồng thì sẽ duyệt ngay. “Chúng tôi sẽ cố gắng thực hiện nhanh nhằm đảm bảo an toàn” - ông Ninh nói.

Trong khi chờ đợi việc triển khai các giải pháp bảo đảm an toàn, trên nhiều tuyến đường vẫn còn những trụ đèn chiếu sáng bị mất nắp đầy, lòi dây điện, các mối nối ra ngoài. Tai nạn vẫn còn chực chờ ai đó.

Quy trách nhiệm, phải chờ kết quả giám định

Chiều 3-9, đại úy Ngô Tấn Tài - phó đội trưởng đội cảnh sát điều tra tội phạm về TT-XH Công an Q.5, TP.HCM - cho biết dù đã xác định được nguyên nhân cái chết của em Cồ Quốc Duy là do rò điện từ cột đèn chiếu sáng của Công ty Chiếu sáng công cộng, nhưng phải chờ kết quả trưng cầu giám định từ Phòng kỹ thuật hình sự (PC21) Công an TP mới có thể tiến hành các thủ tục tố tụng.

Theo ông Tài, phải xác định được rò điện vì lý do gì, thuộc trách nhiệm của ai mới có thể có hướng xử lý cụ thể. Ông Tài còn nói: “Trách nhiệm đối với pháp luật thì phải chờ kết quả trưng cầu, nhưng trách nhiệm xã hội và lương tâm thì có thể thấy rõ. Nhưng cho tới nay chúng tôi không nhận được thông báo của Công ty Chiếu sáng công cộng về việc hỗ trợ hay giúp đỡ gì cho gia đình nạn nhân”.

Liên quan đến tai nạn do điện khi trời mưa, chiều 3-9, trung tá Nguyễn Hoàng Tuấn - phó trưởng Công an Q.Tân Phú - cho biết đến nay trường hợp chị Hoàng Thị Thanh Truyền (22 tuổi, công nhân, quê Bình Định) tử vong ngày 13-4 tại Q.Tân Phú cũng chưa có kết quả trưng cầu giám định từ cơ quan chức năng.

PHẠM MINH ĐỨC

Chiều 3-9, đại úy Ngô Tấn Tài - phó đội trưởng đội cảnh sát điều tra tội phạm về TT-XH Công an Q.5, TP.HCM - cho biết dù đã xác định được nguyên nhân cái chết của em Cồ Quốc Duy là do rò điện từ cột đèn chiếu sáng của Công ty Chiếu sáng công cộng, nhưng phải chờ kết quả trưng cầu giám định từ Phòng kỹ thuật hình sự (PC21) Công an TP mới có thể tiến hành các thủ tục tố tụng.

Theo ông Tài, phải xác định được rò điện vì lý do gì, thuộc trách nhiệm của ai mới có thể có hướng xử lý cụ thể. Ông Tài còn nói: “Trách nhiệm đối với pháp luật thì phải chờ kết quả trưng cầu, nhưng trách nhiệm xã hội và lương tâm thì có thể thấy rõ. Nhưng cho tới nay chúng tôi không nhận được thông báo của Công ty Chiếu sáng công cộng về việc hỗ trợ hay giúp đỡ gì cho gia đình nạn nhân”.

Liên quan đến tai nạn do điện khi trời mưa, chiều 3-9, trung tá Nguyễn Hoàng Tuấn - phó trưởng Công an Q.Tân Phú - cho biết đến nay trường hợp chị Hoàng Thị Thanh Truyền (22 tuổi, công nhân, quê Bình Định) tử vong ngày 13-4 tại Q.Tân Phú cũng chưa có kết quả trưng cầu giám định từ cơ quan chức năng.

Sau khi bị điện giật, người dân dựng biển cảnh báo - Ảnh: Q.Khải

Thêm một vụ rò điện từ trụ đèn chiếu sáng

Khoảng 20g ngày 3-9, Công an P.5, Q.5 nhận được tin báo có hai người dân bị điện giật vì vô tình chạm vào trụ đèn chiếu sáng góc ngã ba Trần Hưng Đạo - Nhiêu Tâm nên đã đến cô lập hiện trường và báo cho Điện lực Chợ Lớn đến kiểm tra. Anh Trần Minh Châu, công an phường, cho biết trước đó một người chạy xe ôm vô tình chạm tay vào trụ đèn thì bị giật tê người. Tiếp sau đó, một phụ nữ bán cà phê cầm ly đặt sát trụ đèn cũng bị giật văng ra ngoài

Đoàn kiểm tra Điện lực Chợ Lớn phát hiện có hiện tượng rò điện từ trụ đèn chiếu sáng (thép tráng kẽm) có số hiệu NTAM 308 34. Sau khi dùng thiết bị đo đưa vào trụ đèn chiếu sáng, cấp điện áp ở mức 146 - 148V. Một cán bộ Điện lực Chợ Lớn cho biết cấp điện áp này có khả năng gây ra chết người. Điều đáng nói là thời điểm xảy ra điện giật không có mưa, đường cũng không ngập.

QUANG KHẢI

Khoảng 20g ngày 3-9, Công an P.5, Q.5 nhận được tin báo có hai người dân bị điện giật vì vô tình chạm vào trụ đèn chiếu sáng góc ngã ba Trần Hưng Đạo - Nhiêu Tâm nên đã đến cô lập hiện trường và báo cho Điện lực Chợ Lớn đến kiểm tra. Anh Trần Minh Châu, công an phường, cho biết trước đó một người chạy xe ôm vô tình chạm tay vào trụ đèn thì bị giật tê người. Tiếp sau đó, một phụ nữ bán cà phê cầm ly đặt sát trụ đèn cũng bị giật văng ra ngoài

Đoàn kiểm tra Điện lực Chợ Lớn phát hiện có hiện tượng rò điện từ trụ đèn chiếu sáng (thép tráng kẽm) có số hiệu NTAM 308 34. Sau khi dùng thiết bị đo đưa vào trụ đèn chiếu sáng, cấp điện áp ở mức 146 - 148V. Một cán bộ Điện lực Chợ Lớn cho biết cấp điện áp này có khả năng gây ra chết người. Điều đáng nói là thời điểm xảy ra điện giật không có mưa, đường cũng không ngập.