Lễ tang cựu Tổng thống Kim Dae-jung dài 6 ngày


Chính phủ Hàn Quốc đã quyết định tổ chức lễ tang cựu Tổng thống Kim Dae-jung theo nghi thức nhà nước, an táng vào ngày 23/8 tới.

Chính phủ Hàn Quốc ngày 19/8 đã quyết định tổ chức lễ tang cựu Tổng thống Kim Dae-jung theo nghi thức nhà nước và ông sẽ được an táng vào ngày 23/8 tới, sau 6 ngày tang lễ.

Quyết định trên được thông qua tại một phiên họp nội các đặc biệt, do Thủ tướng Han Seung-soo điều hành. Theo đó, lễ tang cựu Tổng thống Kim Dae-jung sẽ diễn ra vào 14h (5h GMT) ngày 23/8 tại Cung Quốc hội ở trung tâm thủ đô Seoul, và ông sẽ được an táng tại Nghĩa trang Quốc gia Seoul ở Dongjak-dong, phía Nam Seoul.

Trong một diễn biến liên quan, ngày 19/8, Triều Tiên tuyên bố sẽ cử một phái đoàn cấp cao đến dự tang lễ cựu Tổng thống Kim Dae-jung. Đây được đánh giá là một động thái mang tính hòa giải của Triều Tiên sau nhiều tháng căng thẳng giữa hai miền Triều Tiên.

Bộ Thống Nhất Hàn Quốc cũng cho biết sẽ sắp xếp cho chuyến thăm này, và đây sẽ là chuyến đi đầu tiên tới Seoul của một phái đoàn từ Bình Nhưỡng kể từ năm 2007.

Cựu Tổng thống Hàn Quốc Kim Dae-jung từ trần ngày 18/8 vừa qua, thọ 85 tuổi. Ông là kiến trúc sư của "chính sách Ánh dương" thúc đẩy hòa giải, hòa hợp giữa hai miền Triều Tiên.

Sự nghiệp chính trị đầy sóng gió của Cựu Tổng thống Kim Dae-jung bắt đầu từ năm 1961 với mục tiêu chống lại các chế độ độc tài, quân sự. Ông từng bị bắt giam và bị kết án tử hình 1979 song đã được giải thoát sau sự kiện nổi dậy Gwangju.

Ông giữ cương vị Tổng thống Hàn Quốc trong giai đoạn từ 1998-2003 và nổi tiếng với danh hiệu là người đàn ông không chịu khuất phục trước bất cứ thách thức nào.

Trong nhiệm kỳ của mình, tháng 6/2000, ông đã tiến hành cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều lịch sử với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-il. Sự kiện này mở ra tiến trình hòa giải, hòa hợp giữa hai miền Triều Tiên trong suốt gần một thập kỷ sau đó.

Cũng trong năm 2000, cựu Tổng thống Kim đã được nhận giải thưởng Nobel Hòa bình vì những đóng góp không ngừng nghỉ trong việc đấu tranh cho nền dân chủ và thúc đẩy tiến trình hòa giải trên bán đảo Triều Tiên./.

(TTXVN/Vietnam+)