Kim Dae-jung và hy vọng thống nhất đất nước


VIT - Khi đã "nhắm mắt xuôi tay", cố Tổng thống Hàn Quốc Kim Dae-jung vẫn mang lại niềm hy vọng cho sự sum vầy Nam – Bắc Triều Tiên.

Nhiều giờ trước lễ tang của cố Tổng thống Kim hôm 23/8, phái đoàn Triều Tiên – được lãnh đạo Kim Jong-il phái tới Seoul tham dự lễ tang cố Tổng thống Kim – đã có cuộc trò chuyện với Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung-bak. Đây là cuộc gặp cấp cao đầu tiên giữa hai miền Triều Tiên sau nhiều tháng căng thẳng.

Phái đoàn Triều Tiên đã chuyển thông điệp về mối quan hệ song phương từ Chủ tịch Kim Jong –il trong suốt nửa giờ trò chuyện “nghiêm túc và nồng ấm” với Tổng thống Lee Myung-bak.

Đó là bước đột phá không nhỏ trong cái ngày tiễn đưa một con người trở về cõi vĩnh hằng, người đã làm nên lịch sử bởi chuyến công du Bình Nhưỡng năm 2006, gặp gỡ lãnh đạo Kim Jong-il trong hội nghị thượng đỉnh đầu tiên giữa hai nguyên thủ quốc gia vốn hàng chục năm đối địch.

“Tạm biệt Ngài Ánh Dương” là lời tiễn biệt mà người dân Hàn Quốc tham dự lễ tang cố Tổng thống Kim hôm 23/8 gửi tới vị lãnh đạo vĩ đại này. Cố Tổng thống Hàn Quốc Kim Dae- jung qua đời hôm 18/8, hưởng thọ 85 tuổi.

Hàng ngàn người tập trung trước tòa nhà quốc hội Hàn Quốc ở Seoul để tiễn đưa cố Tổng thống Kim Dae-jung. (Ảnh: THX).

Về kĩ thuật, hai miền Triều Tiên vẫn trong tình trạng chiến tranh, bởi lẽ cuộc xung đột kéo dài 3 năm và kết thúc năm 1953 chỉ bằng hiệp định đình chiến chứ không phải là hiệp ước hòa bình. Xe tăng và binh lính vẫn được triển khai bảo vệ khu Phi Quân sự, chia đôi hai miền Triều Tiên.

Tuy nhiên, cố Tổng thống Kim Dae-jung vẫn được cả nhân dân hai miền tôn trọng và yêu mến. Trên cương vị Tổng thống Hàn Quốc từ năm 1998-2003, ông Kim đã “khai sinh” ra “Chính sách Ánh Dương” – chủ yếu là viện trợ cho Triều Tiên, chính sách nằm trong nỗ lực không mệt mỏi nhằm hòa giải hai miền Triều Tiên của vị cố Tổng thống này.

Sau đó, quan hệ hai miền Triều Tiên đã có nhiều năm tốt đẹp với các dự án hòa giải, trong đó có việc đoàn tụ hàng ngàn gia đình li tán trong cuộc chiến tranh Triều Tiên, khôi phục các chuyến tàu chở hàng qua biên giới hai miền và khu công nghiệp chung liên Triều.

Nhiều người đã chỉ trích dòng tiền đổ vào Triều Tiên, quốc gia trong nhiều năm phải đối mặt với áp lực quốc tế buộc từ bỏ chương trình hạt nhân của mình.

Mối quan hệ liên Triều chưa nồng ấm được bao lâu, thì đến tháng 2/2008 khi Tổng thống Lee Myung-bak lên nắm quyền, mối quan hệ đó lại nguội lạnh dần. Tổng thống Lee đã không áp dụng Chính sách Ánh Dương mà khẳng định, Triều Tiên phải từ bỏ chương trình hạt nhân trước khi có được viện trợ.

Bình Nhưỡng lại khiến thế giới giận dữ hơn bằng vụ thử hạt nhân hôm 25/5 và liên tiếp sau đó là hàng loạt các vụ phóng tên lửa đạn đạo tầm ngắn.

Tuy nhiên, gần đây căng thẳng dường như có dấu hiệu được xoa dịu. Sau khi lãnh đạo Triều Tiên gặp cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton và trả tự do cho hai phóng viên Mỹ, Bình Nhưỡng cũng trả tự do cho một công nhân Hàn Quốc bị bắt giữ cách đây bốn tháng. Quốc gia này cũng cho phép nhiều dự án chung tại Kaesong được nối lại.

Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-il đã cử đoàn đại biểu cấp cao tới Seoul để tham dự lễ tang cố Tổng thống Kim. Đây là lần đầu tiên Triều Tiên cử quan chức cấp cao tới viếng một tổng thống của Hàn Quốc.

Dẫn đầu đoàn đại biểu Triều Tiên là ông Kim Ki Nam, Bí thư của Ủy ban TW Đảng công nhân (Đảng Lao động Triều Tiên, đảng cầm quyền) Triều Tiên và lãnh đạo tình báo Kim Yang Gon. Đoàn đại biểu đã đi thẳng tới khu tổ chức lễ tang cố Tổng thống Kim tại Tòa nhà Quốc hội hôm 21/8, thay mặt lãnh đạo Kim Jong-il, đặt vòng hoa viếng Tổng thống quá cố.

Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung-bak (phải) tiếp phái đoàn quan chức cấp cao của CHDCND Triều Tiên tại Seoul. (Ảnh AP).

Sáng 23/8, phái đoàn Triều Tiên đã có cuộc gặp gỡ với Tổng thống Lee Myung-bak. Tại đây, các quan chức cấp cao Triều Tiên đã chuyển thông điệp bằng lời về “tiến trình hợp tác liên Triều” từ lãnh đạo Kim jong-il tới Tổng thống Lee Myung-bak. Tuy nhiên, thông điệp này không được công bố rõ ràng.

“Chúng tôi trở về trong tâm trạng đầy phấn khởi”, ông Kim Ki Nam trả lời phỏng vấn báo giới trước khi rời Seoul.

Nhiều giờ sau đó, một lễ tang lớn thấm đẫm tiếc thương đã diễn ra tại Tòa nhà Quốc hội nơi cố Tổng thống Kim – người đã trải qua biết bao thăng trầm trong cuộc đời, từ bị đe dọa sát hạt tới tù đày – tuyên thệ nhậm chức Tổng thống Hàn Quốc năm 1998.

Kim Dae-jung là gương mặt lớn trên chính trường thế giới. Ông không những được cả thế giới biết đến vì những nỗ lực không mệt mỏi trong tiến trình hòa giải Nam – Bắc Triều Tiên, mà tại quê hương ông còn được ngưỡng mộ vì những cống hiến cho nền dân chủ trong suốt những năm đầu tiên của chế độ độc tài cai trị.

Tại khu vực Tòa nhà Quốc hội, người dân Hàn Quốc mang theo mình hàng ngàn băng rôn, khẩu hiệu thể hiện lòng tôn kính vị Tổng thống quá cố.

“Chúng tôi yêu Ngài, Ngài Tổng thống Kim Dae-jung. Chúng tôi sẽ không quên Ngài”.

“Dân chủ, hòa bình, nhân quyền: Chúng tôi sẽ thực hiện theo di nguyện của Ngài, Ngài Tổng thống”.

Chính phủ Hàn Quốc tuyên bố, lễ tưởng nhớ khắp cả nước cho người được ví như “Nelson Madela của châu Á” vì sự đấu tranh cả đời cho nền dân chủ, đã thu hút 700.000 người.

Thủ tướng Han Seung-soo đã ca ngợi cố Tổng thống Kim như một lãnh đạo đầy nhiệt huyết, người đã dâng cả cuộc đời cho nền dân chủ, nhân quyền, hòa bình và hòa giải. Ông Han đã ca ngợi sự bền bỉ trong đấu tranh đòi dân chủ của Tổng thống Kim, và sự khéo léo trong giải quyết khủng hoảng kinh tế cuối những năm 1990 của vị Tổng thống quá cố.

“Ngày hôm nay chúng ta phải đối mặt với nỗi buồn lớn lao. Toàn thể dân tộc Hàn Quốc rồi sẽ vượt qua mất mát to lớn này”, ông nói.

Cố Tổng thống Kim sẽ an nghỉ tại Nghĩa trang quốc gia tại Seoul.

‘Tôi hy vọng, ông ấy sẽ yên nghỉ với niềm tin về sự hòa giải. Đó là nguyện vọng cuối cùng của chồng tôi”, vợ cố Tổng thống Kim, bà Lee Hee-ho nói.